Tháng 10, 1980 gia đình chúng tôi và những người bạn đồng hành trong cuộc vượt biên nguy hiểm, cùng với gần 600 người vượt biên khác đã được tàu Cap Anamur Tây Đức cứu vớt ngoài biển Đông mang vào gửi ở trại tị nạn Palawan, Phi Luật Tân.
Buổi trưa tàu chạy dọc theo đảo Palawan của miền tây nam nước Phi. Sóng biển khi tàu đi sát bờ không còn dữ dằn như hôm qua hôm kia, lúc tàu đang giữa biển. Trong cơn bão, dù nhỏ, nhưng tàu vẫn lắc lư, chòng chành, mặc dù đang chạy. Gió phất trên boong tàu, làm chúng tôi dù nằm sâu ở dưới lòng tàu cũng thấy chóng mặt.
Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh, một con sóng mạnh tạt những làn nước biển xuyên qua cầu thang, xuống tận nơi chỗ nằm của chúng tôi, cũng làm ướt áo. Thuyền trưởng báo trời đang có bão, tàu sẽ rời vùng bão, sẵn dịp mang người tị nạn vào gửi ở trại, không chạy lên chạy xuống, dọc theo ngoài hải phận Viêt Nam để cứu vớt người vượt biên như mấy hôm nay nữa.
Nghe được tin này chúng tôi thật mừng. Thật tình lúc đó, tôi không còn nghĩ đến những đồng hương khác đang lặn hụp trong bão tố giữa biển khơi với những chiếc ghe xuồng nhỏ của họ. Lo cho riêng bản thân và gia đình mình là suy nghĩ gần như của toàn xã hội trong những ngày khổ sau khi hòa bình đã lập lại! Và phần khác cũng vì đã mười ngày rồi, đông người trên tàu quá nên không còn đủ nước ngọt. Chuyện tắm giặt phải hoàn toàn bằng nước biển. Máy lọc nước mặn thành ngọt của tàu đủ để nấu thức ăn, nước uống. Mọi người chỉ còn trông sớm lên đảo để có nơi tắm giặt bằng nước ngọt.
Màu xanh lá cây rừng dọc bờ biển đảo Palawan bạt ngàn nằm trong màng sương biển. Những hạt mưa nhỏ vì ảnh hưởng của cơn bão ở biển Đông vẫn còn vây quanh, phủ trùm lên cảnh vật với màu trắng mỏng. Tàu đang chạy trong vùng vịnh, nên chỉ còn những con sóng nhỏ đánh vào hông tàu. Mọi người được phép lên boong tàu để xem cảnh vật. Quang cảnh trên đảo không có núi cao, không thấy những căn nhà, chỉ toàn thấy một màu xanh của những cánh rừng miền nhiệt đới. Chúng tôi đi tới lui trên tàu và rất phấn khởi để chuẩn bị lên đất liền, về trại tị nạn, sau khi tàu cập bến.
Rồi tàu cũng vào bến đậu. Lâu rồi tôi cũng không còn nhớ rõ, nhưng hình như là đoàn các em Hướng Đạo Sinh ra gần cầu thang tàu đứng thành hàng để chào đón chúng tôi. Những em thanh thiếu niên mặc áo quần đồng phục, áo vàng, quần xanh ngắn, khăn quàng cổ cũng màu xanh, đẹp. Mấy em được các anh chị mặc quần áo đồng phục, dài, tươm tất, hướng dẫn. Chúng tôi từ giã các bác sĩ, y tá, nhân viên trên tàu, rồi từng người rời tàu, xuống các ghe nhỏ để vào bờ, nơi đó đã có những chiếc xe buýt đang chờ để chở chúng tôi về trại.
Đến trại trời đã bắt đầu tối, nên không thấy được toàn cảnh. Mọi người được đưa vào một phòng lớn, người hướng dẫn nói đó là hội trường. Mỗi người một chiếc chiếu, trải ra nằm tạm, sát nhau, trên nền xi-măng. Trên trần nhà một bóng đèn vàng, đủ ánh sáng để không dẫm đạp lên nhau khi phải đi lại trong đêm.
Hôm sau, khi chưa tỉnh ngủ hẳn đã nghe tiếng nhạc "đánh thức“ bằng một giai điệu rất rộn ràng. Điệu nhạc cứ lập đi lập lại. Làm ai không thức dậy nổi cũng phải dậy để ra phông-tên lấy nước rửa mặt sút miệng, chuẩn bị lãnh bánh mì ăn sáng.
Nhưng điệu nhạc "đánh thức“ vào buổi sáng này không làm tôi ngạc nhiên bằng những lời ca trong các bản nhạc sau đó được trại cho phát trong ngày, mà sau này hỏi ra tôi mới biết tựa và tác giả của nó như Lời Kinh Đêm, Em Vẫn Mơ Một Ngày Về, Một Chút Quà Cho Quê Hương, Mời Em Về, Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em… của Việt Dzũng và Nguyệt Ánh, hai ca nhạc sĩ ra đi tị nạn từ năm 75.
Lời ca bản nhạc làm tâm hồn những người mới lên đảo đắm chìm lại trong nỗi ký ức đã hằn dấu từ những năm 75 ở quê nhà: những tù tội, nhọc nhằn, đổ vỡ, tan thương, xót xa, gào khóc và khổ..., những tỉnh từ trầm luân này vẫn chưa nói hết nổi những đoạn đường khổ nhọc của người dân Việt Nam kể từ ngày 30 tháng tư, tôi nghĩ vậy. Lời là thế, nhưng hay hơn nữa phải nói là điệu nhạc. Có những điệu nhạc sao buồn quá, như bản Một Chút Quà Cho Quê Hương, Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em, Lời Kinh Đêm... Lời và nhạc hòa quyện lại với nhau trong những vần điệu buồn.
Em gửi về cho anh dăm ba điếu thuốc,
anh đốt cháy cuộc đời cháy mòn trên ngón tay,
gửi về cho mẹ trăm chiếc kim may,
mẹ may hộ con quê hương quá đọa đầy...
Hay:
Mưa Sài Gòn, ôi mưa Sài Gòn
bờ đại dương em còn chờ đón,
ta ra đi mất lối quay về,
rồi chiều mưa ai đón đưa em...
Nhưng có những điệu nhạc và lời ca sao hùng dũng quá, can trường quá, như trong bài Em Vẫn Mơ Một Ngày Về:
Em vẫn mơ một ngày nào tay chúng ta chung một màu cờ trên con đường làng...
Giọng ca Nguyệt Ánh, Việt Dzũng thật truyền cảm. Truyền cảm ở đây trong ý nghĩa uất nghẹn, đau thương trong tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương những thành phố, con người còn ở lại VN, con người nằm dưới lòng biển sâu, con người tấp giạt vào bờ đất Thái, Phi, Indo. với „đong đầy nước mắt“. Và truyền cảm trong niềm tin yêu hy vọng cho tương lai đất nước, chứ không phải là nghĩa truyền cảm thường tình của tình yêu trai gái.
Và đặc biệt sau cùng là bản nhạc Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi, cùng tất cả người Việt tị nạn trong trại, ra đứng làm lễ chào quốc kỳ đầu tiên do trại tị nạn tổ chức vào buổi sáng đầu tuần, sau ngày đặt chân lên đảo: "Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống..…", cùng với ngọn cờ vàng ba sọc đỏ từ từ kéo lên, tung bay trong làn gió biển, làm lòng tôi rúng động, ngập tràn niềm thương cảm, nhung nhớ cho màu cờ, tiếng ca từ bản nhạc, mà đã năm năm qua tôi không một lần thấy và nghe được khi còn ở Việt Nam.
Trải qua những ngày khổ cực ở quê nhà, hãi hùng tại bờ biển trong những đêm vượt biên, hôm nay đứng chào cờ và hát quốc ca VNCH trên mảnh đất xa lạ Phi, dưới ánh nắng ấm áp, chan hòa, mùi hương biển của thành phố Puerto Princesa trên đảo Palawan, hằng trăm con người tị nạn VN đứng yên lặng, trầm buồn để nghĩ về thân phận thuyền nhân của thời hiện tại.
Rồi cứ mỗi ngày qua, tiếng nhạc đánh thức, tiếng ca Việt Dzũng, Nguyệt Ánh cứ vang lên trong trại. Tiếng ca hối thúc, kêu gào, tiếng ca mang niềm tin yêu lại cho con người, hòa lẫn với con sóng biển vỗ về đập vào bờ của trại tị nạn, mỗi ngày, mỗi tuần, đã trở thành âm thanh thân yêu, quen thuộc.
Có những buổi chiều tôi đi dạo dọc theo bờ biển của thành phố này, đi xa khỏi trại, đi trên những dải cát trắng, dưới những hàng dừa, nhìn những người Phi chạy bộ thể thao dọc theo bờ biển, nhìn ra xa những con chim biển, một cảm giác nhớ nhung về nơi làng quê tôi sinh ra, cũng biển, hiện về, nhưng lập tức phải cố quên ngay vì nơi làng quê đó, những bờ biển đó, hôm nay bạo lực dãy đầy, mà tôi đã từng chứng kiến cách đây không lâu, khi những người công an, cán bộ địa phương đã đối xử như thế nào với những người vượt biển, khi ghe họ bị bão hay hư máy, buộc phải tấp vào nơi bờ biển quê tôi mong thoát qua cái chết giữa biển, nhưng để rồi phải hứng chịu những trù dập, đánh đập ngay tại bãi biển của quê hương VN mình. Cũng như tôi đã từng nghe một phụ nữ lai Tàu, trên tay đang ẳm con, đã kể cho tôi ghe câu chuyện hãi hùng về chuyến ghe ra đi „bán chính thức“ của chị, khi ghe vừa tấp vào một làng làm biển, cạnh làng tôi: "Ghe vừa gần ra đến hải phận thì bị phá nước, nước vô đầy ghe. Họ thu vàng nhưng cho đi trên
chiếc ghe sắp mục! May mà có cá ông đưa vào bờ!“.
May mắn tôi và gia đình đã vượt thóat ra khỏi nước cũng ngay tại bãi biển quê nhà, mà không phải gặp cảnh hãi hùng, tù tội, như các anh chị em thiếu may mắn khác.
Sau một tháng ở Palawan, chúng tôi được đưa về trại tị nạn Bataan. Chín tháng dài ở đây tôi không một lần nghe lại được nhạc của NA, VD. Ở miền rừng núi nơi đây chúng tôi chỉ còn nghe tiếng mưa rơi, tiếng suối reo thay cho lời ca tiếng hát.
Sau này, khi đã định cư ở Đức mới lại được nghe lời nhạc tiếng ca của NA, VD, từ chiếc máy cassette và tiếp đó là những bản nhạc viết về đời tị nạn rất hay như Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên:
Sài Gòn ơi ta có ngờ đâu rằng,
một lần đi là một lần vĩnh biệt,
một lần đi là ta mất nhau rồi,
một lần đi là mãi mãi chia xa...
Thật nhức nhối.
Nhưng cuộc sống mới ở xứ người, những đứa con tiếp tục lần lượt ra đời, việc học nghề nghiệp. công ăn việc làm... Bao việc đó đã làm cho tôi hầu như dần quên một thú vui căn bản là: nghe nhạc. Thú thật, nhiều tháng không nghe nhạc một lần! Không những không còn nghe những bản nhạc đấu tranh của VD, NA, mà ngay cả những bản tình ca dễ thương mà tôi thích nghe như Hạ Trắng, Diễm Xưa, hay những tình ca quê hương, tình ca người lính như Khúc Ca Ngày Mùa, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Trên Bốn Vùng Chuyến Thuật, Rừng Lá Thấp v.v... bao tháng miệt mài tôi vẫn không một lần nghe. May mắn là vào dịp có Tết Nguyên Đán, khi các hội đoàn tổ chức gặp gỡ, văn nghệ đón xuân giữa mùa đông xứ người, đến, tôi mới nghe lại được những bản nhạc quê hương thân yêu này. Lòng chùn xuống trong điệu nhạc, lời ca.
Chính những lời ca tiếng hát này đã làm tâm hồn thanh thiếu niên chúng tôi ngày trước... hiền. Tôi có ý nghĩ như vậy. Hàng ngàn lời ca trong hằng trăm bài hát đều nói lên tình yêu. Yêu trong tuổi học trò: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương... Tình yêu trong thời chinh chiến: Tôi có người yêu tuổi ngọc vừa tròn, vì chinh chiến ngược chưa về thăm một lần... hay: Về đây bên nhau ta nối lại tình thương…
Và còn biết bao nhiều là lời ca hiền hậu đầy ân tình.
Bây giờ, nhìn về xã hội VN, sao ai cũng nói trẻ em bây giờ ngỗ nghịch quá, ai cũng than sao thanh niên bây giờ dữ quá, từ một cái nhìn, một câu nói cũng có thể đâm chém nhau; ngay cả các cô nữ sinh 14, 15 tuổi cũng có thể ôm đầu đánh nhau ngoài đường! Lỗi tại ai, chắc ai ai cũng biết! Với rất nhiều lý do.
Bao giờ con cháu chúng ta không còn nghe những câu hát như "thề phanh thay uống máu quân thù“, những câu thơ như "giết giết nữa bàn tay không mệt mỏi“, và khi các giai thoại nhạc quê hương ngày xưa trở lại thịnh hành, phổ biến, để mỗi con em đều có thể thuộc lòng, ca lên, có lẽ lúc đó lớp trẻ mới lớn của người Việt trong nước sẽ từ từ hiền hậu lại. Tôi tin chắc như vậy.